Phương pháp sấy khô cá bằng năng lượng mặt trời
Sấy cá bằng năng lượng mặt trời là giải pháp hấp dẫn và hiệu quả để nâng cao chất lượng sản phẩm, giảm chi phí sấy và góp phần bảo vệ môi trường. Trong đó, thiết bị có cấu tạo đơn giản, rẻ tiền thì hiệu suất và năng suất thấp; ngược lại thiết bị có hiệu suất và năng suất cao thì tuổi thọ cao và đắt tiền. Thiết bị sấy kiểu lều và kiểu tủ thích hợp với quy mô gia đình. Thiết bị sấy đối lưu cưỡng bức kiểu nhà kính, kiểu đường hầm và sấy lai kiểu buồng có thể phù hợp với quy mô thương mại nhỏ. Thiết bị sấy lai đối lưu cưỡng bức kiểu buồng có thể phát triển ở quy mô lớn.
Nhu cầu sấy khô và bảo quản thủy sản
Thủy hải sản khô, chủ yếu là các loại cá có sản lượng đánh bắt, nuôi trồng lớn như cơm, nục, đù, chỉ vàng, bò, basa…, là một trong những mặt hàng xuất khẩu có giá trị của Việt Nam đến nhiều nơi trên thế giới, cũng như tiêu thụ nội địa. Tuy nhiên, với cách thức làm khô chủ yếu là phơi nắng, cá khô Việt Nam thường có chất lượng không cao. Trong khi phơi, cá bị nhiễm bụi, nấm, mốc hay côn trùng phá hoại, do đó không đảm bảo vệ sinh thực phẩm. Khi trời nắng yếu, cá phải được phơi trong nhiều ngày, hoặc khi trời nắng to cá bị quá khô đều làm giảm hàm lượng dinh dưỡng của sản phẩm. Bên cạnh đó, một số nơi còn có hiện tượng sử dụng hóa chất độc hại trong chế biến cá khô để chống mốc và ruồi, bọ xâm nhập.
Ngoài chất lượng không cao dẫn đến giá bán thấp, chế biến cá khô bằng cách phơi nắng còn gặp phải thiệt hại kinh tế như chạy mưa không kịp bị hư hỏng phải đổ bỏ. Việc sử dụng các loại năng lượng truyền thống để sấy cá, mặc dù sẽ đảm bảo chất lượng, nhưng là lựa chọn thiếu khả thi ở điều kiện nước ta do các yếu tố giá thành sản phẩm, sự không sẵn có của nguồn năng lượng (như than đá) đối với khu vực ven biển và sự thiếu thân thiện với môi trường. Do đó, những thiết bị sấy loại này hiếm khi được đầu tư và sử dụng. Lựa chọn phù hợp là sử dụng nguồn năng lượng tái tạo.
Thiết bị sấy cá bằng năng lượng mặt trời
Ở nước ta, năng lượng mặt trời có hầu như quanh năm, số giờ nắng trung bình trong năm là 1.854 giờ, cường độ bức xạ trung bình năm là 1.675 kWh/m2 , tiềm năng năng lượng mặt trời tốt nhất là ở các vùng từ Thừa Thiên Huế trở vào Nam. Nghiên cứu sử dụng nguồn năng lượng mặt trời thay thế cho năng lượng truyền thống đang dần cạn kiệt là rất có ý nghĩa trong việc giảm chi phí cho quá trình sấy, nâng cao chất lượng sản phẩm và góp phần bảo vệ môi trường.
Phần lớn thiết bị sấy bằng năng lượng mặt trời được phát triển để sấy hạt, rau, quả. Một số thiết bị được thiết kế để sấy cả hạt, rau, quả và cá. Tuy vậy, cũng đã có một số thiết bị sấy năng lượng mặt trời đã được nghiên cứu và phát triển để sấy các loại cá khác nhau, bao gồm sấy đối lưu tự nhiên và đối lưu cưỡng bức. Nhiệt độ sấy cá khoảng 40 – 50o C để cá không bị chín, quá khô và dòn.
Với các thiết bị sấy năng lượng mặt trời cho thấy cá đã được sấy từ độ ẩm khoảng 75 – 90% xuống khoảng 10 – 25% tùy thuộc loại cá, hầu như không bị nhiễm bụi và nấm mốc, đạt yêu cầu để bảo quản. Thời gian sấy cũng giảm đáng kể so với phơi nắng. Chất lượng sản phẩm sấy về màu sắc, mùi vị hay kết cấu đều tốt hơn so với sản phẩm phơi.
Hướng phát triển sấy cá trong tương lai bằng năng lượng mặt trời
Như vậy, thiết bị sấy cá năng lượng mặt trời hoàn toàn có khả năng ứng dụng hiệu quả tại Việt Nam. Đặc biệt là với quy mô thương mại nhỏ, phù hợp với các cơ sở sản xuất, làng nghề chế biến cá khô. Tuy nhiên, cần phải có sự hỗ trợ để sản phẩm sấy vào được các thị trường có yêu cầu cao về chất lượng, có lợi nhuận cao hơn so với thị trường dễ tính. Từ đó, phát triển phạm vi và số lượng ứng dụng thiết bị sấy.
THÔNG TIN LIÊN HỆ
CÔNG TY TNHH E-MART
- Văn phòng: Số 81 Xuân Thới 22, Ấp Mỹ Huề 4, Xã Xuân Thới Đông , huyện Hóc Môn, Thành Phố Hồ Chí Minh
- Trụ sở: 94/8/9 đường số 8, P. BHH, Q. Bình Tân, Hồ Chí Minh
- Hotline: 0908.40.6869 – 0937.477.789
- Email: emart.salesmanager@gmail.com
- Website: visong.vn